Đoạt vị, giành ngôi Minh_Thành_Tổ

Bài chi tiết: Chiến dịch Tĩnh Nan

Cổng thành Nam Kinh

Mở màn Tĩnh Nan chi dịch

Sau khi Chu Đệ cố gắng kiến nghị với hoàng đế ở Nam Kinh, nhưng đã thất bại, Chu Đệ đã tìm cách giải cứu 3 người con trai đang làm con tin ở kinh thành. Khi biết tin các con đã an toàn thoát khỏi tay hoàng đế, ông đã quyết định hành động. Năm 1399, ông tuyên bố chiến tranh với lý do rằng đó là " Cứu vua cháu khỏi sự thao túng của bọn quan lại tiếm quyền". Cuộc nội chiến bắt đầu rất thuận lợi cho Huệ Đế. Ông có nhiều quân và tài chính mạnh hơn và một vị trí chiến lược tốt hơn. Quân đội triều đình đã tấn công đến Bắc Bình một cách khá nhanh chóng, nhưng Bắc Bình phòng thủ tốt trước những cuộc tấn công dữ dội.

Triều đình bắc phạt

Minh Thành Tổ quan sát các hoạn quan triều đình đang chơi cuju, một trò chơi cổ xưa của Trung Quốc tương tự như bóng đá.

Vì các tướng lĩnh biết cầm quân đã bị Minh Thái Tổ giết sạch, việc chọn chủ tướng là một mối lo với triều đình.[3] Không có chọn lựa khác, triều đình cử lão tướng Cảnh Tinh Văn lúc đó đã 65 tuổi làm chủ soái và dẫn theo 13 vạn đại quân lên phía bắc. Một tướng dưới quyền Cảnh Tinh Văn đầu hàng Chu Đệ và thông báo cho Chu Đệ vị trí của Cảnh Tinh Văn. Chu Đệ cho viên tướng đó quay lại và nói cho Cảnh Tinh Văn biết rằng quân Yên đang đến và nên chuẩn bị giao tranh. Ngày 25 tháng 8, Chu Đệ bất ngờ tập kích quân triều đình. Bản thân Chu Đệ đích thân chỉ huy tấn công vào bên cánh của quân Minh và đánh bại Cảnh Tinh Văn. Hơn 3,000 người hàng Chu Đệ, số còn lại chạy về Chân Định. Chu Đệ dẫn quân đánh Chân Định nhưng không hạ được. Ngày 29 tháng 8, quân Yên rút về Bắc Bình.

Khi biết tin thua trận, Minh Huệ Đế rất lo lắng. Hoàng Tử Trừng tiến cử Tào quốc công Lý Cảnh Long, vốn là cháu ngoại Thái Tổ, làm chủ tướng và được chấp nhận bất chấp sự phản đối của Tề Thái. Lý Cảnh Long dẫn theo 50 vạn đại quân tiến đến Hà Gian. Lúc này quân triều đình ở Liêu Đông tấn công Vĩnh Bình, Chu Đệ đem quân đi cứu và đánh lui quân triều đình. Nhân đà thắng lợi, Chu Đệ tấn công Đại Ninh, sáp nhập quân đội của Ninh vương. Lý Cảnh Long nghe tin Chu Đệ đi Liêu Đông liền hạ lệnh tấn công Bắc Bình. Có lần quân triều đình đã suýt phá được thành nhưng Lý Cảnh Long vì nghi ngờ nên đã hạ lệnh lui quân. Thời tiết tháng 10 ở Bắc Bình rất lạnh, Chu Cao Sí buổi tối sai người đổ nước lên tường thành, ngày hôm sau đã đóng băng làm quân triều đình không tấn công được. Quân triều đình là người phía nam nên không chịu được cái lạnh phía bắc. Chu Đệ đem quân về cứu Bắc Bình và đã đánh bại Lý Cảnh Long tại ngoại vị Bắc Bình vào tháng 11. Lý Cảnh Long thua chạy về Đức Châu, quân triều đình thương vong hơn 10 vạn người.

Tháng 4 năm 1400, Lý Cảnh Long tập hợp được 60 vạn quân và lần nữa tiến về phía bắc. Ngày 24 tháng 4, quân Yên và quân triều đình chạm trán nhau. Quân Yên ban đầu bị phục kích nên thua chạy. Quân triều đình đặt địa lôi trên đường khiến quân Yên tổn thất nặng. Ngày hôm sau, quân triều đình tấn công vào cánh của quân Yên, Chu Đệ tự thân chống trả bằng cách tấn công vào trung quân của Lý Cảnh Long và được sự hỗ trợ từ viện quân của Chu Cao Sí. Lúc này một cơn gió to làm gãy cờ chủ soái của Lý Cảnh Long khiến quân triều đình hoang mang gây ra hỗn loạn. Chu Đệ nhân cơ hội toàn lực phản kích, đánh bại quân triều đình. Hơn 10 vạn người theo hàng Chu Đệ và Lý Cảnh Long lại chạy về Đức Châu. Quân Yên sau đó đánh hạ Đức Châu. Lý Cảnh Long chạy về Tế Nam, quân Yên đuổi theo bao vây Tế Nam. Lý Cảnh Long phải chạy về Nam Kinh. Mặc dù thua trận, thiệt quân và bị triều thần đàn hặc, Lý Cảnh Long vẫn được tha chết.

Một quan viên của Minh Huệ Đế đã hiến kế ly gián, Huệ Đế nghe theo, sai sứ giả mang tiền tài đến Bắc Bình, vốn đang được trấn thủ bởi con trưởng của Chu Đệ là Chu Cao Sí, cùng với lời hứa nếu giao nộp Bắc Bình sẽ được giữ lại tước vị Yên Vương và được thế tập về sau. Biết tính cha đa nghi, Chu Cao Sí bắt ngay sứ giả và đem cả người lẫn vật đến giao cho Chu Đệ ngoài tiền tuyến. Chu Đệ cho chém sứ giả, lại đem tiền đó thưởng cho Chu Cao Sí để khen thưởng vỗ về, bảo đảm cho hậu phương vững chắc. Chu Đệ còn cho người tung tin rằng mình là con đẻ của Mã Hoàng hậu để hợp pháp việc thừa kế ngai vàng. Ông còn phao tin rằng chính mình mới là người được Thái Tổ chọn để truyền ngôi nhưng đã bị Chu Tiêu và những kẻ ủng hộ cản trở.

Công phá kinh thành

Chu Đệ sau đó đã thay đổi chiến lược quân sự. Đầu tiên, ông đặt trọng tâm quân đội vào kỵ binh Mông Cổ. Trong khoảng thời gian 20 năm nắm quyền tại miền Bắc Trung Quốc, có nhiều bộ lạc Mông Cổ đã đầu hàng và hết lòng trung thành với ông. Thời gian đầu cuộc chiến nhờ lực lượng này đã giúp ông sống sót các cuộc tấn công của triều đình. Nhưng lực lượng tinh nhuệ này không thể chịu được sự tấn công của kỵ binh hoàng gia. Điều thứ hai, trái với quân của Chu Đệ chỉ huy, quân của Huệ Đế giành được sự trung thành rất lớn từ quân đội và trong nhân dân. Điều thứ ba, thay vì tấn công Nam Kinh, nơi có phòng thủ tốt thì Chu Đệ lại dẫn quân về phía Tây. Trận chiến xảy ra nhưng quân của Huệ Đế đã không thể đánh bại Chu Đệ.

Nhờ vào tin tình báo từ các tướng lĩnh và hoạn quan bị Huệ Đế ngược đãi, Chu Đệ đã lập nên một chiến thuật đánh-và-chạy vào các kho lương dọc suốt Đại Vận Hà, trong khi tránh giao tranh trực tiếp với đại quân triều đình. Cho đến năm 1402, quân của Chu Đệ đã tấn công và cướp phá Từ Châu, Tô Châu và Dương Châu. Vào mùa xuân năm 1402, Chu Đệ chọc thủng phòng tuyến quân sự và dẫn quân xuống phía Nam sông Dương Tử khi bí mật mua chuộc người bên phe hoàng đế. Nhờ tướng Trần Tuyên phản bội, Chu Đệ đã nắm được trong tay hạm đội sông Dương Tử và dễ dàng vượt sông. Ngày 13-7-1402 cổng thành Nam Kinh mở do sự phản bội của Lý Cảnh Long và một người em cùng cha khác mẹ của Chu Đệ là Cốc Vương Chu Huệ. Trong lúc hỗn loạn, cung điện đã bị đốt cháy, Chu Đệ tìm thấy 3 xác chết cháy đen không còn nhận dạng được nên mọi người cho rằng Huệ Đế tự sát cùng hoàng hậu và con trai cả (nhưng cũng có truyền thuyết cho rằng xác chết cháy là giả, còn Huệ Đế thật thì đã bỏ trốn bằng đường hầm và mai danh ẩn tích từ đó).

Các quần thần đều cùng nhau tôn ông làm hoàng đế, ban đầu ông từ chối để tỏ lòng khiêm nhường, Chu Đệ đồng ý rằng năm sau sẽ lấy là Vĩnh Lạc nguyên niên. Chu Đệ làm lễ lên ngôi 4 ngày sau, 17-7-1402, ở tuổi 42 sau khi đi viếng thăm nơi chôn cất của cha mình là Minh Thái Tổ.

Thanh trừng

Giai đoạn cai trị của Huệ Đế đã bị xóa bỏ trong các hồ sơ lịch sử, thời gian bị thiếu chỉ đơn giản là thêm vào thời kỳ Minh Thái Tổ. Đầu tiên, hoàng đế mới Chu Đệ thực hiện thanh trừng trên quy mô lớn, tất cả các đại thần và gia đình họ. Phần lớn của các quan lại bị loại bỏ. Nhiều người tự tử, vì họ khinh miệt Minh Thành Tổ cướp ngôi. Một vấn đề lớn là hai người con trai còn lại của Huệ Đế và ba anh em của Chu Đệ. Để loại bỏ kẻ địch tiềm năng, họ đã bị hành hình. Hai vạn người đã trở thành nạn nhân của cuộc thanh trừng.[4] Người anh trai cả đã mất của Chu Đệ là Chu Tiêu, vốn được Huệ Đế truy tôn làm hoàng đế cũng bị ông giáng xuống làm Ý Văn Thái tử.

Án "giết 10 họ" của Phương Hiếu Nhụ

Xem thêm: Tru di

Thảm án "giết mười họ" của Phương Hiếu Nhụ dưới thời Chu Đệ vẫn thường được nhắc tới như bi kịch gia tộc đẫm máu nhất trong lịch sử Trung Quốc. Đây cũng là một trong những sự việc khiến vị Hoàng đế thứ ba của Nhà Minh là Minh Thành Tổ Chu Đệ bị hậu thế đánh giá là "tàn bạo", "hám sát".

Tương truyền rằng, một quan viên trung thành của Huệ Đế là Phương Hiếu Nhụ, vốn được coi là bậc đại nho đương thời. Khi Nam Kinh đã bị công phá, Chu Đệ sau khi sai người dập tắt lửa trong cung, bèn triệu văn học sĩ Phương Hiếu Nhụ đến khởi thảo chiếu thư để mình lên kế vị. Phương Hiếu Nhụ là trung thần của Kiến Văn Đế , ông mặc bộ đồ tang vừa đi vừa khóc bước vào điện, không thi lễ mà chỉ đứng khóc. Chu Đệ thấy vậy nói rằng: "Ta cũng là noi gương Chu Công phù trợ Thành vương mà thôi". Phương Hiếu Nhụ ngừng khóc hỏi Thành vương hiện ở đâu, thì Chu Đê nói đã bị lửa thiêu chết rồi. Phương Hiếu Nhụ lại hỏi: "Thế sao không lập con của Thành Vương?". Chu Đệ đáp: "Nhà nước đang cần một ông vua đứng tuổi". Phương Hiếu Nhụ giận dữ quát lên rằng: "Thế sao không lập em của Thành Vương?".

Chu Đệ không biết đối đáp ra sao, liền bước xuống điện đến trước mặt Phương Hiếu Nhụ nói rằng: "Đó là việc trong nhà ta, tiên sinh hà tất phải hao tâm tốn sức ". Bấy giờ, người hầu đem giấy bút ra, Chu Đệ nói rằng: "Việc viết chiếu thư, phi tiên sinh không có người nào khác". Phương Hiếu Nhụ giật lấy giấy bút, viết lên chữ "Yên tặc soán ngôi" rồi quăng bút xuống thềm điện, vừa khóc vừa nói rằng "Chết thì thôi, chứ đừng hòng mong tôi viết chiếu thư ". Chu Đệ nổi giận quát lên rằng: "Ta không để ngươi chết ngay được, chẳng lẽ ngươi không sợ ta Tru di cửu tộc (giết cả chín họ) ư?". Phương Hiếu Nhụ cũng gân cổ lên nói rằng: "Tru di thập tộc đã làm gì được ta nào".

Lúc này, Chu Đệ đã trở lại ngồi trên ngai vàng, cơn giận bốc lên liền ra lệnh cho vệ sĩ dùng dao to cắt môi của Phương Hiếu Nhụ, vết dao rạch đến tận mang tai. Sau đó, Chu Đệ lại sai người bắt gia quyến cửu tộc, cộng thêm cả học trò của Phương Hiếu Nhụ nữa là thành ra "thập tộc", cả thảy 873 người bị lôi đến chém chết ngay trước mặt Phương Hiếu Nhụ, Phương Hiếu Nhụ cố ghìm nước mắt, sau đó ông bị lôi ra xử lăng trì ở ngoài Tụ Bảo Môn, bấy giờ mới có 46 tuổi.

Các đại thần khác của Kiến Văn Đế

Thiết Huyền là Binh bộ thượng thư của Kiến Văn Đế bị bắt vào điện. Chu Đệ ngồi trên ngự tọa, Thiết Huyền đứng quay lưng ở dưới cho đến khi chết cũng không quay lại nhìn Chu Đệ. Chu Đệ sai người cắt mũi và tai Thiết Huyền, đem nấu chín rồi nhét vào miệng ông hỏi rằng: "Thịt có ngọt không?". Thiết Huyền lớn tiếng đáp: "Thịt của trung thần hiếu tử làm sao lại không ngọt". Tức thì, Chu Đệ ra lệnh cắt mạch cổ tay ông, Thiết Huyền miệng cứ chửi rủa mãi cho đến chết. Chu Đệ tức giận, lại bắt cả cha mẹ Thiết Huyền đã ngoài 80 tuổi phát vãng đi Hải Nam làm khổ dịch, giết chết hai đứa con mới hơn 10 tuổi của ông, đồng thời đưa vợ và hai con gái ông giao cho nhà chứa để đàn ông mặc sức chà đạp.

Còn Tề Thái, Hoàng Tử Trình cũng bị xử lăng trì và Tru di tam tộc.

Lưu Đoan là người đứng đầu Đại Lý Tự đã bỏ trốn rồi sau bị bắt dẫn đến trước điện, Chu Đệ hỏi rằng: "Phương Hiếu Nhụ là người thế nào ?". Lưu Đoan cười đáp: "Là trung thần". Chu Đệ lại hỏi: "Còn ông bỏ trốn có coi là trung thần không?".Lưu Đoan cứng cỏi đáp: "Tôi cũng vì muốn sống để sau này báo thù mà thôi". Chu Đệ nổi giận liền sai người cắt mũi và tai Lưu Đoan, rồi cười hỏi Lưu Đoan máu me đầy mặt rằng: "Bây giờ ngươi mặt mũi thế này còn coi là người nữa không?". Lưu Đoan đáp: "Khuôn mặt ta là mặt trung thần hiếu tử, chết xuống âm phủ còn có mặt mũi gặp thái tổ hoàng đế". Chu Đệ càng thêm bực tức, liền vung gậy đập chết Lưu Đoan.

Chu Đệ cả thảy đã giết hơn 10 nghìn trung thần của Kiến Văn Đế cùng gia quyến, trong lịch sử chưa từng có vụ tàn sát quan lại đối phương quy mô như vậy. 22 năm sau, khi Chu Cao Sí con trai của Chu Đệ lên nối ngôi, mới hạ chiếu phế bỏ kiếp nô lệ cho gia quyến của các trung thần triều đại Kiến Văn Đế.

Thảm án ni cô

Theo "Minh sử" ghi lại, vào tháng 2 năm Vĩnh Lạc thứ 18, Đường Trại Nhi (quê ở Bồ Đài, Tân Châu, Sơn Đông) đã quy tập mấy ngàn giáo đồ Bạch Liên giáo, khởi nghĩa vũ trang chống lại triều đình. Vụ việc này đã dấy lên phong trào khởi nghĩa nông dân ở Sơn Đông, nhưng bởi quy mô nhỏ, thời gian tồn tại ngắn, nên không gây nhiều tác động đối với giai cấp cầm quyền, thậm chí còn không được ghi lại trong sách giáo khoa ngày nay.

Tuy nhiên, lúc bấy giờ, Hoàng đế Chu Đệ lại "vô cùng khiếp sợ", chẳng những phái ra 5000 quân tinh nhuệ từ kinh sư, mà còn đặc biệt huy động biệt đội kháng Oa (kháng Nhật) ở duyên hải Sơn Đông để trấn áp cuộc khởi nghĩa nhỏ bé này. Dưới sự đàn áp đẫm máu của triều đình, khởi nghĩa chỉ duy trì chưa đầy 3 tháng. Nhưng sự biến mất một cách bí ẩn của nữ hiệp Đường Trại Nhi lại tiếp tục trở thành nguyên nhân của "thảm án ni cô" sau đó.

Để tiêu trừ thù hận trong lòng, cũng nhằm mục đích "diệt cỏ tận gốc", Chu Đệ đã quyết định "giết một người để răn trăm người". Minh Thành Tổ hạ lệnh truy nã Đường Trại Nhi, tiến hành điều tra bách tính, dân thường trên phạm vi rộng lớn. Tuy nhiên, tung tích của nữ hiệp họ Đường vẫn "lặn tăm" một cách bí ẩn.

Lúc bấy giờ, có người liền tố giác với Chu Đệ: chỉ có kẻ đã trà trộn vào Phật môn mới có thể trốn tránh được quan quân triều đình! Hơn nữa, khi phất cờ khởi nghĩa, Đường Trại Nhi từng tự xưng là "Phật mẫu", khiến Chu Đệ càng tin vị nữ hiệp này có liên quan tới cửa Phật.

Năm Vĩnh Lạc thứ 18 (1420), Minh Thành Tổ Chu Đệ đột nhiên hạ lệnh bắt tất cả các ni cô và nữ đạo sĩ ở Sơn Đông, Bắc Kinh về kinh sư để thấm vấn, xác minh thân phận. Mặc dù mệnh lệnh được ban hành trên danh nghĩa "thẩm vấn", nhưng triều đình nhiều lần lạm dụng nhục hình, thậm chí còn bắt tay với tầng lớp hòa thượng để đẩy những phụ nữ xuất gia vào cảnh "sống không bằng chết".

Tháng 7 cùng năm, Minh Thành Tổ phong cho Đoàn Minh làm Tả tham chính Sơn Đông, tiếp tục truy tìm tung tích của Đường Trại Nhi. Để lập công với Thành Tổ, Đoàn Minh mở rộng phạm vi điều tra ra cả nước, làm liên lụy tới mấy vạn phụ nữ đã xuất gia, tu hành. Sự kiện này đã từng được ghi lại trong "Minh sử": "Tháng hai năm Vĩnh Lạc thứ 18, Đường Trại Nhi người Sơn Đông làm phản nhưng không bắt được, triều đình liền bắt giữ hàng vạn phụ nữ xuất gia."

Cho tới khi nhắm mắt xuôi tay, Chu Đệ vẫn chưa thể bắt giữ nữ hiệp Đường Trại Nhi. Minh triều thấy hành động tróc nã này quá mất lòng dân nên mới dừng lại. Tuy vậy, "thảm án ni cô" đã gây nên bi kịch không chốn dung thân cho hàng vạn ni cô, đạo sĩ, thậm chí tước đi sinh mạng của hơn một ngàn người. Đây được xem là "vụ án ni cô" chấn động nhất trong lịch sử Trung Quốc, phá vỡ sự thanh tịnh của Phật giáo đã được duy trì cả ngàn năm tại nước này.